SẢN XUẤT THỦY SẢN TOÀN CẦU – PHẦN 1 (20-12-2023)

Theo số liệu thống kê của FAO năm 2021, tổng sản lượng thủy sản toàn cầu tăng 2% so với năm trước (từ 213,8 triệu tấn tăng lên gần 218,2 triệu tấn). Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng 10 năm. Sự gia tăng này chủ yếu nhờ sự tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản, đã tăng 3%, đạt 126 triệu tấn; đây cũng là mức cao nhất trong thập kỷ xem xét. Sản lượng khai thác tăng 1%, đạt 92 triệu tấn; đảo ngược xu hướng tiêu cực trong các năm 2019-2020.
SẢN XUẤT THỦY SẢN TOÀN CẦU – PHẦN 1
Ảnh minh họa

Tất cả các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản lớn ở châu Á đều báo cáo sản lượng tăng, ngoại trừ Indonesia, nơi sản lượng thủy sản giảm 2% tương đương 240.000 tấn. Mức tăng đáng kể nhất ở châu Á là hai quốc gia: Trung Quốc có sản lượng tăng 3% tương đương 2,3 triệu tấn và Ấn Độ tăng 9% tương đương 767.000 tấn. Đối với sản lượng thủy sản khai thác, mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Peru với mức tăng 16% đạt 900.000 tấn và Ecuador với mức tăng 36% đạt 228.000 tấn. Tại EU, khối lượng sản xuất nuôi trồng thủy sản tăng 4% trong khi sản lượng đánh bắt giảm 7% – đây là mức thấp nhất trong 10 năm. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp của EU vào sản lượng thủy sản toàn cầu vẫn giữ nguyên như năm 2020, lần lượt là 4% đối với thủy sản khai thác và 1% đối với thủy sản nuôi trồng.

15 nhà sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới

Dưới đây là thông tin chi tiết về sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản (được cập nhật từ hai nguồn dữ liệu thống kê của Eurostat và FAO):

Năm 2021, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản, đạt 85.948 nghìn tấn, +2% so với năm trước (trong đó: khai thác 13.143 nghìn tấn; nuôi trồng 72.805 nghìn tấn); chiếm 39% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Đứng thứ 2 là Indonesia. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 21.812 nghìn tấn, giảm nhẹ (-0,1%) so với năm trước (trong đó: khai thác 7.206 nghìn tấn; nuôi trồng 14.607 nghìn tấn); chiếm 10% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Thứ 3 là Ấn Độ. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 14.433 nghìn tấn, +2% so với năm trước (trong đó: khai thác 5.025 nghìn tấn; nuôi trồng 9.408 nghìn tấn); chiếm 7% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu.

Việt Nam đứng thứ 4 với sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 8.290 nghìn tấn, +3% so với năm trước (trong đó: khai thác 3.540 nghìn tấn; nuôi trồng 4.749 nghìn tấn); chiếm 4% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Thứ 5 là Peru. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 6.727 nghìn tấn, +16% so với năm trước (trong đó: khai thác 6.576 nghìn tấn; nuôi trồng 151 nghìn tấn); chiếm 3% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Thứ 6 là Liên bang Nga. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 5.487 nghìn tấn, +2% so với năm trước (trong đó: khai thác 5.168 nghìn tấn; nuôi trồng 319 nghìn tấn). Thứ 7 là Mỹ. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 4.731 nghìn tấn, +1% so với năm trước (trong đó: khai thác 4.282 nghìn tấn; nuôi trồng 449 nghìn tấn). Thứ 8 là EU. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 4.720 nghìn tấn, -5% so với năm trước (trong đó: khai thác 3.591 nghìn tấn; nuôi trồng 1.129 nghìn tấn).

Ngoài ra, trong danh sách 15 quốc gia sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới còn có: Bangladesh, Na Uy, Nhật Bản, Philippines, Chile, Hàn Quốc và Myanmar.

Tỷ trọng nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng

Kể từ năm 2000, tỷ trọng nuôi trồng thủy sản trong tổng sản lượng thủy sản thế giới đã liên tục tăng. Kể từ năm 2013, sản lượng nuôi trồng thủy sản cao hơn sản lượng khai thác thủy sản. Xu hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi hoạt động sản xuất ở các nước châu Á, nơi có sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 91% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu.

Theo thống kê năm 2021 thì 04 quốc gia Châu Á có sản lượng khai thác và nuôi trồng dẫn đầu thế giới và ở mỗi quốc gia này, phần lớn sản lượng thủy sản đến từ hoạt động nuôi trồng. Cụ thể là, nuôi trồng thủy sản chiếm hơn 85% sản lượng ở Trung Quốc, 67% ở Indonesia, 65% ở Ấn Độ và gần 60% ở Việt Nam. Ngược lại, ở Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Âu (bao gồm các nước EU và ngoài EU), nuôi trồng thủy sản chỉ chiếm 1/5 tổng sản lượng thủy sản. Thậm chí, tỷ trọng nuôi trồng thủy sản trong tổng sản lượng thủy sản thậm chí còn thấp hơn nữa ở Châu Đại Dương.

CHÂU Á

Châu Á không chỉ dẫn đầu thế giới về sản lượng nuôi trồng mà còn dẫn đầu về sản lượng khai thác thủy sản. Tuy nhiên, đã có sự khác biệt trong sự tăng trưởng của hai ngành sản xuất này. Năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản ở châu Á đạt 115 triệu tấn, tăng 3% so với năm trước, trong khi sản lượng khai thác vẫn duy trì xu hướng giảm (kể từ năm 2019) chỉ đạt gần 47 triệu tấn, thấp hơn 2% so với năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm.

Trong giai đoạn 2020-2021, sản lượng khai thác ở châu Á tăng mạnh nhất đối với các hoạt động: khai thác mực (chủ yếu tại Trung Quốc và Đài Loan); cá thu ở Trung Quốc và Nhật Bản; cá mòi ở Trung Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã báo cáo sản lượng đánh bắt hải sản giảm đáng kể, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm chung ở cấp châu lục, do Trung Quốc là nước sản xuất thủy sản khai thác và nuôi trồng lớn nhất châu Á, và là nước đóng góp lớn nhất vào xu hướng chung ở cấp châu lục. Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy, Trung Quốc chiếm 28% tổng sản lượng thủy sản khai thác và 64% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ở châu Á.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng là nước sản xuất thủy sản khai thác và nuôi trồng lớn nhất thế giới, theo sau là Indonesia. Năm 2021, với sản lượng 72,8 triệu tấn thủy sản nuôi trồng và 13 triệu tấn thủy sản đánh bắt, Trung Quốc đã chiếm 58% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới và 14% tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu.

Các loài được nuôi trồng nhiều nhất ở Trung Quốc là cá chép (chiếm 25% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc) và rong biển chiếm 13%. Đối với cá chép, khối lượng sản xuất ghi nhận mức tăng nhẹ từ 18,2 triệu tấn năm 2020 lên 18,4 triệu tấn vào năm 2021, trong khi rong biển sụt giảm mạnh (-53%) từ gần 21 triệu tấn năm 2020 xuống còn 9,8 triệu tấn vào năm 2021. Nếu so với sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu của 2 loài này, Trung Quốc hiện chiếm hơn 84% sản lượng cá chép và 45% sản lượng rong biển toàn cầu.

So sánh với EU: Năm 2021 đã có 77.511 tấn cá chép được nuôi ở EU (chỉ chiếm khoảng 0,4% sản lượng cá chép toàn cầu) và EU cũng đã thu hoạch gần 85.000 tấn rong biển. Tuy nhiên, sản lượng rong biển ở EU phần lớn bắt nguồn từ việc thu hoạch trong tự nhiên, phục vụ cho các mục đích phi thực phẩm. Do đó, sẽ hơi khập khiễng nếu đem so sánh hoạt động này của EU với hoạt động sản xuất rong biển tại Trung Quốc.

Ngọc Thúy (theo EUMOFA - 2023)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác